Hướng dẫn phòng tránh và cấp cứu tai nạn ngạt khí

Hầu như năm nào đến mùa rét địa bàn miền trung, miền bắc đều xảy ra những vụ chết người thương tâm do đốt than sưởi ấm trong nhà kín khi đi ngủ. phía nam thì hay xảy ra các vụ ngạt khí độc do chạy máy phát điện trong nhà kín khi cúp điện. Hy hữu còn có những trường hợp chết do chạy rô-đa xe máy trong phòng kín lúc ngủ… Những cái chết như thế báo chí nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng người dân vẫn khinh suất, bất cẩn.


Phòng ngừa ngộ độc khí oxyd carbon
Khí oxyd carbon (CO) được sinh ra do sự đốt cháy không hoàn toàn nhiên liệu, không chỉ sinh ra từ bếp lò than củi mà còn sinh ra từ máy phát điện chạy dầu, xe máy chạy xăng… Khí này có đặc điểm là bám vào Hemoglobin trong hồng cầu rất chặt khiến cho hồng cầu mất chức năng hấp thụ oxy. Vì vậy, dù nạn nhân có được cấp cứu, cho thở oxy thì vẫn không hiệu quả.
Do vậy, để phòng ngừa ngộ độc khí oxyd carbon, người dân chỉ cần biết một số kiến thức cơ bản nhưng phải tuyệt đối tuân thủ. Cụ thể như sau :
  1. Không bao giờ để xe hơi hoặc xe máy nổ máy trong gara, trong nhà; ngay cả khi mở cửa.
  2. Không bao giờ đặt máy phát điện trong nhà, hay ở gầm sàn nhà. Nên nhớ rằng dù mở các cửa chính và cửa sổ hoặc dùng quạt vẫn không  ngăn ngừa khí CO tích tụ trong nhà. Máy phát điện phải để cách xa cửa sổ và cửa chính đang mở.
  3. Không bao giờ đốt than, củi  trong nhà, trong lều, trong xe  đóng kín cửa.
  4. Không bao giờ dùng khí đốt, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm.
  5. Không bao giờ sử dụng thiết bị đốt khí gas không có thông hơi trong phòng kín hoặc trong phòng ngủ. Trong trường hợp ngạt khí do hỏa hoạn, nạn nhân cần tìm khăn ướt ấp ngay vào mũi để bảo vệ đường hô hấp trong khi tự tìm cách thoát ra hoặc chờ người đến cứu.
Cấp cứu tai nạn ngạt khí oxyd carbon
Ngộ độc oxyd carbon rất nguy hiểm vì ban đầu nạn nhân không có cảm giác gì, đến khi cơ thể thấy khó chịu, biết mình ngộ độc thì toàn thân vô lực, khó thở, đến kêu cứu cũng không còn sức và dần dần lả đi, rơi vào hôn mê, có thể chết nếu không được người khác phát hiện kịp thời. Do đó, biện pháp tốt nhất là phải loại trừ các nguy cơ gây ngộ độc như chúng tôi đã trình bày ở phần trên.
Nếu phát hiện nạn nhân bị ngộ độc oxyd carbon cũng phải có kiến thức cơ bản để cấp cứu. Dấu hiệu và triệu chứng chung của nạn nhân bị ngạt khí là có thể kêu nhức đầu, rối loạn ý thức (lú lẫn, lộn xộn) và mất khả năng hợp tác, da nạn nhân có thể bình thường nhưng sẽ hồng rực lên (như màu hoa anh đào) khi nồng độ oxyd carbon trong máu tăng lên…
Lúc phát hiện nạn nhân có những triệu chứng trên, chúng ta phải xử trí cấp cứu ngay bằng các công đoạn sau :
  1. Mở các cửa ra vào và kéo nạn nhân tới nơi an toàn.
  2. Ðặt nạn nhân ở tư thế hồi phục nếu nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn thở bình thường.
  3. Nếu nạn nhân khó thở hoặc ngừng thở thì phải tiến hành hô hấp nhân tạo ngay. Việc hô hấp nhân tạo phải tiến hành rất lâu, nhiều lần.
  4. Kiểm tra nhịp thở, mạch và mức độ đáp ứng 10 phút một lần, nếu phát hiện nạn nhân khó thở phải làm hô hấp nhân tạo kịp thời.
  5. Chuyển nạn nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
 Hạnh Phúc - Nguồn Interne