Trộm cắp là một trong những tệ nạn đe dọa cuộc sống của
người dân. Hiện nay, trộm cắp xảy ra khá nhiều với những hậu quả nặng nề
- nhẹ thì mất mát về tài sản, nặng thì nguy hiểm đến tính mạng.
Làm thế nào để phòng tránh trộm cũng như xử lý thế nào trong trường hợp có trộm “viếng thăm” là điều quan trọng.
Tâm lý và quy luật của bọn trộm
- Có thể nói, gần đây các hoạt động trộm cắp tài sản ngày một trở nên tinh vi hơn, hậu quả cũng nghiêm trọng hơn. Báo chí đã đưa tin không ít trường hợp gia chủ phát hiện ra nhà có trộm, chống cự đến mức bị sát thương và thậm chí tử vong.
- Thủ đoạn chung của bọn tội phạm này là bỏ thời gian thăm dò nơi định trộm cắp, nghiên cứu quy luật sinh hoạt của chủ nhà… để định vị tài sản sẽ trộm, điểm sơ hở của chủ nhà trong việc bảo vệ tài sản… Sau đó, chúng sẽ lên kế hoạch để thực hiện việc đột nhập và trộm cắp tài sản.
- Tài sản bọn chúng hướng tới là những loại tài sản gọn nhẹ và có giá trị như: vàng, tiền, ngoại tệ, đá quý, xe máy…
- Vũ khí của bọn trộm khi đột nhập vào thường là các vật dùng để cậy cửa như: kìm, kéo cắt sắt, xà beng, búa để đập vỡ khóa, cửa kính,…Cũng có kẻ chọn cách thừa cơ hội đột nhập vào nhà, ẩn nấp ở nơi khuất tối. Chúng cũng thường tìm cách gây trở ngại cho gia chủ nếu bị phát hiện bằng cách khóa trái cửa, đặt chướng ngại vật … để tiện đường tẩu thoát.
Khi phát hiện có trộm
- Ban đêm khi tỉnh giấc nếu phát hiện có trộm, tốt nhất nên nghe ngóng, quan sát xem các phòng xem trộm đã vào phòng ngủ chưa để quyết định. Nếu trộm chưa vào nhà thì lập tức bật các đèn lên, gọi người nhà dậy, như vậy bọn trộm thường bỏ đi chứ không muốn đối mặt với chủ nhà. Nếu trộm đã vào phòng ngủ, phải tùy cơ ứng biến, thậm chí nên giả vờ ngủ. Không nên mạo hiểm bắt kẻ trộm, có thể lấy bình hoa, lược… để làm vũ khí tự vệ nhưng bất đắc dĩ mới được ra tay.
Nếu chỉ có một mình ở nhà, nên đóng chặt cửa phòng ngủ, giả vờ gọi người bên cạnh
- Nếu chỉ có một mình ở nhà, nên đóng chặt cửa phòng ngủ giả vờ gọi người bên cạnh. Khi thấy kẻ trộm ra khỏi nhà, nên quan sát, ghi nhớ đặc điểm, hướng chạy của chúng để báo công an càng chi tiết càng tốt.
- Khi về đến cổng nhà, nếu phát hiện hoặc nghi có người lạ trong nhà như: nghe tiếng động trong nhà, nhìn thấy cửa bị khóa hoặc là bị cậy, nhất thiết không được vào nhà, phải lập tức gọi điện báo cho công an hoặc ban quản lý khu nhà.
- Nếu đã vào bên trong cổng mới phát hiện có khác thường, phải thật bình tĩnh, có thể giả vờ là người đến chơi, không được lộ ra mình là chủ nhà, nếu không sẽ làm cho bọn trộm hoảng sợ mà điên cuồng chống lại.
- Nếu đã vào trong nhà mà mới phát hiện kẻ trộm phải bình tĩnh ứng phó, không để kẻ trộm cho rằng chủ nhà sẽ liều chết để bảo vệ tài sản. Nên tìm cách để kẻ trộm đi ra và nhớ quan sát, ghi nhớ đặc điểm của chúng để báo công an.
- Nếu nghe bên ngoài nhà có tiếng động lạ, trước tiên không được mạo hiểm mở cửa, tốt nhất nhìn qua khe cửa xem đã xảy ra chuyện gì, nếu có gì bất thường thì nên báo cho công an.
Để phòng tránh trộm
- Phòng tránh luôn tốt hơn là đê sự việc xảy ra. Vì thế, nên học cách phòng tránh trộm để đảm bảo nhất an toàn có thể.
- Không nên để nhiều tiền mặt trong nhà, nên chia nhỏ tiền và cất ở nhiều nơi. Bên cạnh điều này, chủ nhà cũng không nên khoe khoang thu nhập cao với hàng xóm. Những kẻ xấu khi nghe thấy điều này sẽ rất chú ý.
- Không nên đi vắng thường xuyên, nếu buổi tối phải ra ngoài nên bật đèn để trộm tưởng chủ nhà ở nhà. Mùa hè có thể bật quạt để khiến bọn trộm cắp tưởng có người ở nhà, không dám đột nhập.
- Nên làm cửa chắc chắn, kể cả cửa ban công, sân phơi cũng phải chắc chắn và đóng khóa cẩn thận. Cần nêu cao tinh thần cảnh giác, có ý thức kiểm tra thường xuyên các thiết bị bảo vệ an toàn như: khóa cửa, cửa tum, cửa tầng trên,…
- Có một số kẻ trộm thường giả vờ làm người buôn bán, lấy cớ mua bán để lừa vào nhà trộm cắp. Bất luận chúng lấy cớ thế nào, không nên mở cửa cho chúng vào nhà.