Kỹ năng ứng phó khi gặp rắn

Mấy ngày nay, hàng loạt rắn xuất hiện ở Phú Quốc (Kiên Giang), rắn bò vào bếp, giường ngủ, vườn, nhà... làm người dân hoang mang. Theo các chuyên gia, người dân cần có kỹ năng ứng phó khi gặp rắn để tránh khỏi những tai họa không đáng có.

Ban đêm con người dễ bị rắn tấn công 
 
ThS Nguyễn Thiện Tạo, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện là nơi cư ngụ của gần 200 loài rắn thuộc 69 giống, 8 họ. Trong số đó ghi nhận tổng số 53 loài rắn độc. Trong những loài rắn độc có khoảng 20 loài sống ở trên cạn.Những loài rắn mà người dân thường hay gặp trong cuộc sống hằng ngày bao gồm cả rắn độc lẫn rắn không độc. Rắn độc gồm có rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang... Rắn không độc mà mọi người  hay gặp có rắn nước, rắn ráo, rắn mòng... Những loài rắn này sống tại các bụi cây, bụi rậm, ngoài đồng ruộng...

 Khi bị rắn thường cắn, chúng ta có thể bị ngứa, cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, nếu bị rắn độc tấn công, nọc độc của rắn có thể gây tử vong.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng, người dân lại bắt gặp chúng là vì rắn là loài động vật biến nhiệt. Vào những ngày nắng chúng thường bò ra bên ngoài để tiếp nhận ánh nắng mặt trời, vì thế có thể người dân vô tình bắt gặp.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân để rắn trong tự nhiên bỗng dưng bò ra khỏi hang vào nhà dân như biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi đột ngột như quá nắng nóng hoặc mưa quá nhiều, nguồn thức ăn cạn kiệt. Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm bởi đây là thời điểm con người dễ bị rắn tấn công nhất. Rắn rất thích cư trú hoặc thích đến các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, tổ mối, nơi nuôi các động vật của gia đìnhLiên quan đến thông tin ở Kiên Giang thời gian gần đây xuất hiện rắn bò vào nhà, ThS Nguyễn Thiện Tạo cho biết, cũng mới chỉ đọc thông tin trên báo và đang nhờ đồng nghiệp ở đó xác minh. Qua mô tả ông thấy các loài rắn này không giống với các loài rắn thông thường vẫn hay sống ở gần người dân. "Chỉ khi nào chúng tôi chụp được ảnh, từ đó chúng tôi mới tìm hiểu và nhận biết được đấy là loài rắn nào, có độc không...", ThS Nguyễn Thiện Tạo cho hay.
 
Đừng tấn công

ThS Nguyễn Thiện Tạo cũng phân tích thêm, thông thường các loài rắn không tự nhiên tấn công con người. Mỗi khi thấy rắn, người dân thường hay nghĩ chúng rất độc và phải đập chết chúng chứ không nghĩ đến việc tránh xa hay xua đuổi. Khi bị con người tấn công, đương nhiên rắn sẽ tấn công lại như một biện pháp tự vệ. Cách tốt nhất là khi thấy rắn, nên tìm cách tránh xa chúng hoặc tìm cách xua đuổi chúng như cầm cành cây hoặc các vật có kích thước dài xua đuổi chúng đi xa.
Người dân cũng phải lưu ý rằng, đối với những loài rắn thường, khi cắn, chúng ta có thể bị ngứa, cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, nếu bị rắn độc tấn công, nọc độc của rắn có thể gây tử vong. Hiện nay, khoa học đã sáng tạo ra các kit thử lâm sàng nhằm giúp phát hiện độc tố trong vết thương của người bị rắn cắn đưa tới bệnh viện thuộc nhóm độc tố nào thì mới có hướng điều trị tiếp.
Đối với người dân, khi bị rắn cắn, cách tốt nhất là dùng dây, khăn buộc chặt chỗ bị cắn để không làm chất độc lan rộng ra cơ thể. Ngoài ra, người bị rắn độc cắn cố gắng ghi nhớ hình dạng của giống rắn vừa bị cắn. Thông qua việc mô tả, ít nhiều các bác sĩ sẽ phân biệt được loài đó, từ đó tìm ra nhóm độc tố để có biện pháp điều trị thích hợp.GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cũng cho rằng, mọi người không nên nằm ngủ trực tiếp dưới nền đất và thường xuyên kiểm tra nhà ở xem có rắn không. Nếu có thể thì tránh các kiểu cấu trúc nhà tạo điều kiện thuận lợi cho rắn ở (như nhà mái tranh, tường xây bằng rơm, bùn với nhiều hang, hốc hoặc vết nứt, nền nhà nhiều vết nứt).
Khi phát hiện có rắn xuất hiện trong khu vực khép kín, mọi người cũng không nên bắt, đuổi hoặc dồn ép rắn mà nên để chúng trườn ra khu vực rộng rãi mới tiến hành đuổi bắt. Khi rắn đã chết cũng không nên cầm hoặc trêu vì đầu rắn đã chết vẫn còn nọc độc.
  • Tô Lan - Theo Bee.net.vn